Các quy định của thị trường rau quả Liên minh Châu Âu (Tác giả: Trịnh Thị Thu Hương)
Liên minh Châu Âu (EU) là thị trường nhập khẩu rau quả hàng đầu thế giới. Mặc dù lượng rau quả nhập khẩu của EU chiếm khoảng 50% nhập khẩu rau quả thế giới, nhưng lượng rau quả nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, khoảng 0,08% lượng nhập khẩu của EU.
Việc nhập khẩu nông sản vào thị trường EU chủ yếu thông qua Hà Lan do Hà Lan được coi là cửa ngõ để vào thị trường EU đối với các mặt hàng rau quả. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn xuất khẩu vào EU cần có kế hoạch nghiên cứu và tiếp cận các nhà nhập khẩu, các kênh phân phối và hệ thống bán lẻ ở Hà Lan để có thể xây dựng một chiến lược xuất khẩu các mặt hàng rau quả vào Hà Lan và qua đó vào EU. Bên cạnh đó, Việt Nam còn rất nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Bắc và Tây Âu và các nước thành viên Đông Âu mới.
1. Thuế nhập khẩu
Hệ thống thuế quan áp dụng cho hàng hóa của các nước EU được chia thành ba loại thuế chính: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế hàng hóa.
Thuế giá trị gia tăng và thuế hàng hóa được áp dụng theo quy định của từng thị trường riêng lẻ. Đối với hàng hóa được nhập khẩu từ các nước ngoài Liên minh Châu Âu, thuế suất thuế nhập khẩu sẽ được áp dụng chung cho tất cả các thị trường thuộc EU. Với mỗi loại hàng hóa khác nhau, thuế suất thuế nhập khẩu sẽ khác nhau. Đối với các sản phẩm rau quả xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang được hưởng mức thuế suất GSP. Doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo và tra cứu thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng cho các mặt hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam tại trang web sau:
2. Quy định bắt buộc
Khi xuất khẩu rau quả sang thị trường EU, công ty xuất khẩu sẽ phải chú ý tuân thủ một số quy định bắt buộc của thị trường này. Trong số các quy định dưới đây, doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý tới loại nguyên liệu/ sản phẩm được áp dụng theo quy định. Những quy định bắt buộc có thể kể đến như: các quy định về kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, tình trạng nhiễm bệnh, thành phần thực phẩm, bao bì, nhãn mác hàng hóa…
2.1. Quy định vệ sinh an toàn thực phẩm
Vấn đề an toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng trong Luật thực phẩm của EU. Luật thực phẩm chung EU được coi là khung pháp lý quan trọng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trên thị trường này. Để đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và để cho phép thực hiện các hành động phù hợp trong trường hợp thực phẩm không an toàn, các sản phẩm thực phẩm phải được truy xuất nguồn gốc trong toàn chuỗi cung cấp và những rủi ro về nhiễm bệnh cần phải được hạn chế. Một khía cạnh quan trọng để kiểm soát các mối nguy về vệ sinh an toàn thực phẩm là xác định các điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) thông qua việc thực thi các nguyên lý về quản lý thực phẩm. Một khía cạnh quan trọng khác nữa là các sản phẩm thực phẩm phải tuân theo các quy định kiểm soát chính thức. Những sản phẩm bị coi là không an toàn sẽ bị từ chối nhập khẩu vào thị trường EU.
2.2. Sử dụng giới hạn các loại thuốc bảo vệ thực vật
EU đã quy định mức giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRLs) được sử dụng trong và trên các sản phẩm thực phẩm. Đối với các sản phẩm rau quả tươi, tuân thủ chặt chẽ theo các quy định về MRLs và ngăn ngừa tình trạng nhiễm vi khuẩn là những điều kiện tiên quyết khi muốn thâm nhập thị trường EU. Các sản phẩm có chứa các loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm hoặc có hàm lượng cao hơn mức cho phép sẽ bị từ chối nhập khẩu vào thị trường này. Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần lưu ý rằng người mua hàng ở một số nước thành viên EU sử dụng quy định về MRLs nghiêm ngặt hơn cả quy định chung của thị trường EU. Hầu hết các siêu thị đều có các tiêu chuẩn riêng của họ (quy tắc) liên quan đến vấn đề thuốc bảo vệ thực vật và thường nghiêm ngặt hơn so với các quy định chung. Do đó, doanh nghiệp cần kiểm tra lại với khách hàng của mình những quy định được áp dụng cho sản phẩm rau quả tươi xuất khẩu.
Để tìm kiếm thông tin về MRLs áp dụng cho sản phẩm của bạn, bạn có thể sử dụng cơ sở dữ liệu của EU về MRLs. Bạn có thể lựa chọn sản phẩm của bạn và loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng, sau đó cơ sở dữ liệu sẽ hiển thị danh sách MRLs liên quan đến sản phẩm và loại thuốc bảo vệ thực vật của bạn. Tham khảo thêm thông tin trên trang web sau:
http://ec.europa.eu/food/plant/pesticides/eu-pesticides-database/public/?event=homepage&language=EN
Để giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, doanh nghiệp có thể áp dụng Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). IPM là chiến lược kiểm soát dịch hại nông nghiệp sử dụng các thực tiễn kiểm soát tự nhiên như nhập các loại đối thủ tự nhiên của loài dịch bệnh gây hại. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng cần quản lý việc phun hóa chất. Bạn càng ít sử dụng hóa chất, sản phẩm của bạn sẽ càng có vị thế cao trên thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần kiểm tra lại với các khách hàng về những quy định bổ sung của họ đối với MRLs và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
2.3. Kiểm soát thực phẩm nhập khẩu vào thị trường EU
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tránh gây hại cho môi trường, EU hạn chế sử dụng một số loại hóa chất nhất định (MRLs), được quy định trong một số Quy định và Hướng dẫn của EU. Sản phẩm của bạn sẽ phải tuân thủ theo các quy định về kiểm soát chính thức. Những hoạt động kiểm soát này được thực hiện nhằm đảm bảo rằng tất cả thực phẩm nhập khẩu vào thị trường EU an toàn, cũng có nghĩa là tuân thủ theo các quy định được áp dụng cho sản phẩm. Có ba loại kiểm tra khác nhau:
• Kiểm tra chứng từ tài liệu
• Kiểm tra nhãn mác
• Kiểm tra vật lý
Trong trường hợp EU liên tục phát hiện những sản phẩm cụ thể có nguồn gốc từ một nước nào đó không tuân thủ theo quy định, EU sẽ quyết định thực hiện kiểm soát với mức độ dày đặc hơn hoặc đặt vào tình trạng áp dụng các biện pháp khẩn cấp. Các biện pháp kiểm soát có thể được tiến hành ở tất cả các bước nhập khẩu và tiếp thị sản phẩm trên thị trường EU. Tuy nhiên, hầu hết công tác kiểm tra sẽ được thực hiện ở điểm đến khi sản phẩm nhập khẩu vào thị trường. Ngoài ra, trong trường hợp này, sản phẩm chỉ có thể nhập khẩu dưới những điều kiện hết sức chặt chẽ như phải kèm theo một giấy chứng nhận y tế và một báo cáo kiểm định chất lượng. Những sản phẩm từ các nước liên tục vi phạm quy định sẽ được đưa vào danh sách trong Phụ lục I của Quy định (EC) số 669/2009, doanh nghiệp có thể tham khảo tại đường link sau: http://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?qid=1404738340673&uri=CELEX:02009R0669-20140401.
Đối với nhà nhập khẩu các sản phẩm rau quả tươi, truy xuất nguồn gốc là một yêu cầu bắt buộc. Để đáp ứng quy định này, nhà nhập khẩu EU sẽ yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu cung cấp bằng chứng về xuất xứ của tất cả các loại rau quả tươi.
Doanh nghiệp cần phải hiểu rõ các quy định và thủ tục của thị trường EU. Nếu không tuân thủ theo các thủ tục có thể sẽ gây ra việc trì hoãn hoặc giảm đơn hàng, tăng chi phí và dẫn đến việc các cơ quan chức năng của EU áp dụng các hình thức kiểm soát. Với sản phẩm rau quả tươi, doanh nghiệp cần đảm bảo rằng các tài liệu đi kèm (như vận đơn) phải tương ứng với sản phẩm thực phẩm trong kiện hàng và có chỉ rõ số lượng, loại và kích cỡ, số pallet hoặc thùng, tên của người trồng và khối lượng.
Doanh nghiệp có thể tìm kiếm thông tin trên cơ sở dữ liệu hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn gia súc (RASFF - https://webgate.ec.europa.eu/rasff-window/portal/?event=SearchForm) để biết về những sản phẩm bị rút khỏi thị trường và lý do. Khách hàng EU thường sẽ yêu cầu nhà xuất khẩu áp dụng một hệ thống quản lý an toàn thực phẩm trên cơ sở các nguyên tắc của HACCP. Do đó, doanh nghiệp nên cân nhắc áp dụng hệ thống HACCP trong thực tiễn hàng ngày. Doanh nghiệp có thể tư vấn về các quy định kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu để xác định mức độ kiểm soát được áp dụng cho sản phẩm của mình. Danh sách này thường được cập nhật rất thường xuyên.
2.4. Bảo vệ thực vật
Các loại rau quả tươi khi xuất khẩu sang thị trường EU, phải tuân thủ theo các quy định pháp lý của EU về bảo vệ thực vật. EU đã đưa ra các quy định về vệ sinh thực vật nhằm tránh việc nhiễm và lây lan các sinh vật có hại cho thực vật và sản phẩm thực vật trên thị trường EU. Các quy định này chỉ rõ một số sinh vật nhất định được liệt kê không được phép nhập khẩu vào EU, trừ một số trường hợp ngoại lệ và các loại thực vật hoặc sản phẩm thực vật quy định trong Phần B, Phụ lục V của Hướng dẫn số 2000/29/EC phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Doanh nghiệp nên kiểm tra lại với Cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia (NPPO) hoặc nhà nhập khẩu EU về các quy định áp dụng cho sản phẩm của mình (danh sách các NPPO: https://www.ippc.int/countries/contactpoints/). Nếu cần có chứng nhận kiểm dịch thực vật mới có thể xuất khẩu sang thị trường EU, doanh nghiệp cần liên hệ với Cục bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tham khảo thêm nhà nhập khẩu EU về các quy định cụ thể. Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật có trong Phụ lục VII (trang 170) của Hướng dẫn bảo vệ thực vật.
2.5. Tránh nhiễm bệnh để đảm bảo an toàn thực phẩm
Chất nhiễm bệnh là những chất có thể xuất hiện trong những khâu khác nhau trong quy trình trồng, chế biến, đóng gói, vận chuyển hoặc lưu kho hàng hóa. Quy định của EU (EC) số 1881/2006 đưa ra mức tối đa đối với một số chất nhất định có trong thực phẩm. Quy định này được cập nhật thường xuyên. Bên cạnh mức giới hạn đối với các loại thực phẩm chung, quy định cũng đưa ra giới hạn đối với một số loại chất cụ thể có trong những sản phẩm nhất định. Những chất thông dụng nhất có trong rau quả chế biến bao gồm:
Độc tố nấm–những chất chuyển giao phái sinh có độc tố được sản sinh ra do nấm được biết đến phổ biến nhất là nấm mốc. Nhiễm bệnh nấm mốc phổ biến nhất trong ngành rau quả chế biến là nấm mốc aflatoxin và ocharatoxin A.
Aflatoxin: là chất nhiễm bệnh phổ biến nhất có trong các loại hạt ăn được và rau quả khô, đã có giới hạn đối với aflatoxin B1, B2, G1 và G2 trong hầu hết các loại hạt ăn được và rau quả khô. Số lượng các trường hợp bị báo cáo nhiều nhất là quả hồ trăn hay còn gọi là hạt dẻ cười, tên tiếng Anh là pistachio (chủ yếu nhập từ Iran, ngoài ra được nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ), quả vả khô (hầu hết được nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ), đậu phộng (hầu hết được nhập từ Trung Quốc, ngoài ra được nhập từ Brazil, Ấn Độ và Ai Cập) và hạt phỉ (hầu hết được nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ).
• Ochratoxin A: thường có trong các loại quả khô họ nho (nho Hy Lạp, nho khô và nho xuntan) và nước ép nho (tham khảo phần 2 của Phụ lục Quy định (EC) số 1881/2006). Rất khó có thể tránh tình trạng có OTA vì phụ thuộc nhiều điều kiện khí hậu.
• Patulin thường có trong nấm mốc rau quả, đặc biệt là táo và quả bị thối. Đối với các loại nước ép quả khác, áp dụng giới hạn từ 10 đến 50 μg/kg (tham khảo phần 2 của Phụ lục Quy định (EC) số 1881/2006).
Kim loại nặng: Có quy định về hạn chế nồng độ chì (đối với hoa quả, nước ép quả, nhiều loại rau), ca-đi-mi (rau quả) và thiếc (thực phẩm đồ uống đóng hộp) (tham khảo Phụ lục 3 của Quy định (EC) số 1881/2006). Đối với rau quả chế biến, nồng độ chì hoặc ca-đi-mi lớn thường có trong rau quả đông lạnh và trên thuốc nhuộm dùng cho nguyên liệu đóng gói bằng kính. Nồng độ thiếc cao thường thấy trong rau quả đóng hộp do phân hủy lớp phủ bằng thiếc hoặc hộp thiếc.
Vi trùng – loại nhiễm khuẩn vi trùng phổ biến nhất đối với rau quả chế biến là vi khuẩn salmonella và virút (như norovirus và Hepatitis A). Theo quy định pháp lý của EU, salmonella là nguồn quan trọng gây ra nhiễm khuẩn cho các loại nước ép rau quả chưa tiệt trùng. Vi khuẩn này cũng có thể xuất hiện trong các loại rau quả chế biến khác. Quy định (EC) số 669/2009 đã được sửa đổi, bao gồm cả dâu đông lạnh từ Trung Quốc.
Thuốc bảo vệ thực vật: EU đã thiết lập mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa (MRLs) có trong và trên sản phẩm thực phẩm. Những sản phẩm có chứa thuốc bảo vệ thực vật cao hơn mức cho phép sẽ bị thu hồi khỏi thị trường EU.
Chất ngoại lai: nhiễm khuẩn chất ngoại lai (như từ các vật dụng bằng kính, nhựa và côn trùng) là một rủi ro có thể xảy ra nếu không tuân thủ theo các quy trình sản xuất thực phẩm an toàn.
Ni-trát: mức tối đa cụ thể là 2.000 mg NO-3/kg được áp dụng đối với rau chân vịt đông lạnh (tham khảo phần 1 Phụ lục của Quy định (EC) số 1881/2006).
Doanh nghiệp cần hiểu rõ về các quy trình trồng trọt, sấy khô, chế biến và lưu kho và có thể thỏa thuận với nhà cung cấp của mình. Ví dụ, có thể tham khảo Bộ quy tắc về các tiêu chuẩn thực phẩm Codex (http://www.codexalimentarius.org/standards/list-standards/en/?no_cache=1) để có thông tin nhằm tránh và giảm độc tố nấm mốc trong các loại hạt, đậu phộng và quả vả khô hoặc tham khảo hướng dẫn của FAO (http://www.fao.org/docrep/w9474t/w9474t06.htm) để tránh nấm mốc trong quả hồ trăn. Đối với những thông tin về lưu kho và vận chuyển rau quả chế biến và hạt an toàn, có thể tham khảo thông tin trên trang web của Dịch vụ thông tin vận tải (http://www.tis-gdv.de/tis_e/ware/inhalt.htm).
Chiếu xạ cũng là một cách để xử lý nhiễm khuẩn nhưng theo luật pháp của EU, không được dùng phương pháp này đối với rau quả chế biến và các loại hạt ăn được.
Doanh nghiệp có thể nhờ đến sự trợ giúp của các chuyên gia để có được những lời khuyên hữu ích về việc áp dụng hệ thống HACCP trong thực tiễn hàng ngày. Bạn phải kiểm soát chặt chẽ việc truy xuất nguồn gốc các loại nguyên liệu thô và hỗ trợ người trồng trọt để thiết lập thực tiễn nông nghiệp tốt nhằm tránh nhiễm khuẩn trong các sản phẩm cuối cùng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên tuân thủ theo các xu hướng mới nhất về kiểm dịch an toàn thực phẩm. Tăng cường mức độ kiểm dịch nhanh tại chỗ, tự động hóa và máy tính hóa các phương pháp kiểm dịch an toàn thực phẩm có thể hỗ trợ đắc lực cho quá trình sản xuất của doanh nghiệp.
2.6. Thành phần sản phẩm
Sản phẩm có thể bị người mua hàng hoặc các cơ quan hải quan EU từ chối trong trường hợp không kê khai, không được phép hoặc có hàm lượng cao các chất ngoại lai. EU cũng có các quy định pháp lý cụ thể đối với phụ gia thực phẩm (như phẩm màu, chất làm dày) và hương liệu trong đó liệt kê mã số điện tử và các chất được phép sử dụng. Trong trường hợp bạn muốn bổ sung thêm vitamin trong sản phẩm, bạn cũng cần phải biết loại vitamin nào (phụ lục I) và các nguồn, công thức vitamin và chất khoáng được cho phép (Phụ lục II).
Quy định pháp lý cụ thể về thành phần sản phẩm thực phẩm áp dụng cho nước ép trái cây và các loại mứt hoa quả, mứt cam, mứt hạt dẻ ngọt. Những hướng dẫn này chỉ rõ loại nguyên liệu và phụ gia thực phẩm nào được phép sử dụng. Đối với rau quả chế biến, doanh nghiệp thường gặp vấn đề do không kê khai hải quan hoặc hàm lượng chất bảo quản vượt quá mức cho phép. Những vấn đề phổ biến nhất là sử dụng lưu huỳnh làm chất bảo quản trong các sản phẩm dừa và hoa quả sấy khô, và sử dụng axit ben-zô-ích trong một số sản phẩm rau ngâm chua. Một vấn đề khác cũng thường gặp là không kê khai hoặc hàm lượng phẩm màu thực phẩm vượt quá mức cho phép. Ví dụ điển hình như sử dụng phẩm màu E110 (phẩm màu vàng), được sử dụng trong hoa quả đóng hộp sấy khô và phẩm màu E102 (chất bột màu vàng) trong gia vị, các loại mứt phết, sản phẩm ngâm chua và nước giải khát.
Mã số điện tử do EU công nhận. Để có mã số điện tử, phụ gia thực phẩm phải được đánh giá an toàn hoàn toàn bởi các cơ quan phụ trách an toàn thực phẩm liên quan tại EU (EFCH). Có thể tham khảo thêm về mã số điện tử trong Phụ lục của Quy định 1333/2008 theo đường link (http://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=CELEX:02008R1333-20140414&rid=1).
2.7. Quy định dán nhãn
Luật pháp EU xác định các tiêu chuẩn marketing chung và riêng cho tất cả các loại rau quả tươi liên quan tới chất lượng tối thiểu và độ chín tối thiểu. Với những loại rau quả tươi không có tiêu chuẩn marketing cụ thể (SMS) sẽ phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn chung (GMS). EU quy định các tiêu chuẩn cụ thể về marketing cho các loại rau quả tươi sau đây: táo, các quả họ cam, quả kiwi, rau diếp, quả đào và xuân đào, lê, dâu, ớt chuông, nho và cà chua. Những sản phẩm này phải có kèm theo giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn cho từng kiện hàng. Với những lô hàng nhập khẩu các sản phẩm này nhằm mục đích chế biến không phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn marketing của EU. Tuy nhiên, trên bao bì của hàng hóa cần phải ghi rõ cụm từ “intended for processing” (dùng cho mục đích chế biến) hoặc các cụm từ tương đương.
Thực phẩm được đưa ra thị trường EU phải đáp ứng các quy định pháp lý về dán nhãn thực phẩm. Các thùng carton đựng rau quả tươi phải có đầy đủ các thông tin dưới đây:
• Tên và địa chỉ của nhà đóng gói và nhà vận chuyển
• Tên của sản phẩm (nếu không nhìn thấy sản phẩm từ phía ngoài của bao bì)
• Nước xuất xứ
• Phân loại và kích cỡ (theo các tiêu chuẩn marketing)
Trong trường hợp doanh nghiệp Việt Nam cung cấp các sản phẩm dán nhãn tiêu dùng (ví dụ các sản phẩm đựng trong can, bình hoặc hộp), bạn sẽ phải để ý tới các quy định về dán nhãn trong Hướng dẫn số 2000/13/EC. Nhãn mác phải cung cấp cho người tiêu dùng các thông tin về thành phần sản phẩm, nhà sản xuất, phương pháp bảo quản và sơ chế. Bên cạnh đó, với các loại nước ép hoa quả và mứt hoa quả, các loại chiết xuất từ hoa quả và mứt hạt dẻ ngọt, có những quy định cụ thể để đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng. Đối với các loại thực phẩm đông lạnh nhanh, cũng có các quy định cụ thể về nhãn mác và chất lượng.
2.8. Tuyên bố về dinh dưỡng và các chất có lợi cho sức khỏe
Những tuyên bố này trên thực phẩm nhằm khẳng định và thể hiện thực phẩm có những đặc tính tốt cho sức khỏe. Những thông tin này không được phép sai lạc. Do đó, chỉ những tuyên bố về dinh dưỡng và các chất có lợi cho sức khỏe được EU công nhận mới được phép công khai trên thực phẩm. Trong trường hợp có những tuyên bố mới, cần phải có sự công nhận trước của Cục an toàn vệ sinh thực phẩm Châu Âu (EFSA: http://www.efsa.europa.eu/).
2.9. Chất gây dị ứng
Những sản phẩm đóng gói sẵn có chứa các chất gây dị ứng (như các loại hạt bao gồm đậu phộng, hạnh nhân, hạt phỉ, óc chó, hạt điều, hồ đào, hạt Brazil, quả hồ trăn, hạt mác-ca và hạt Queesland và các sản phẩm từ hạt) phải được dán nhãn và cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng cho người tiêu dùng rằng sản phẩm có chứa các chất gây dị ứng.
Tháng 12 năm 2014, Quy định của EU số 1169/2011 bắt đầu có hiệu lực. Quy định pháp lý mới về dán nhãn tạo ra những thay đổi đáng kể so với quy định trước kia về dán nhãn. Thay đổi quan trọng nhất là về trình bày sản phẩm thực phẩm, EU nghiêm cấm việc gây hiểu lầm cho người tiêu dùng và gắn cho bất kỳ loại thực phẩm nào tính năng phòng tránh hay chữa bệnh cho con người. Một thay đổi khác liên quan đến dán nhãn dị ứng, quy định các chất gây dị ứng phải được nêu bật trong danh sách thành phần sản phẩm. Những quy định liên quan đến thông tin về các chất gây dị ứng cũng được áp dụng với các sản phẩm thực phẩm không được đóng gói sẵn, bao gồm những loại được bán ở nhà hàng và các quán cà phê. Thông tin về dinh dưỡng cũng có tính bắt buộc cho hầu hết các sản phẩm. Doanh nghiệp có thể tham khảo thêm thông tin về các tài liệu hướng dẫn dán nhãn thực tế cho các sản phẩm thực phẩm theo quy định pháp lý mới do Hiệp hội thực phẩm và đồ uống Ireland phát hành theo đường link dưới đây:
(http://www.fdii.ie/Sectors/FDII/FDII.nsf/vPages/News_and_Events~Press_release_archive~guide-to-new-eu-food-labelling-rules-launched/$file/FDII%20Labelling%20Guide.pdf).
Tham khảo Phụ lục IIIa của Hướng dẫn số 2000/13/EC về tổng quan tất cả các chất gây dị ứng. Doanh nghiệp cần lưu ý rằng sự xuất hiện của các chất gây dị ứng ngày càng trở nên quan trọng. Khả năng lây nhiễm chéo (ví dụ khi một sản phẩm được chế biến trong nhà máy chế biến cả đậu phộng) đôi khi sẽ được coi là có khả năng xảy ra ở phạm vi nhà máy. Quy định bao gói:
- Các nguyên liệu đóng gói tiêu dùng được sử dụng cho thực phẩm (như can, bình) sẽ phải tuân thủ theo các quy định kiểm soát y tế cụ thể dành cho các nguyên liệu có tiếp xúc với thực phẩm. Các nguyên liệu đóng gói thực phẩm phải được sản xuất để không thể chuyển các chất cấu tạo vào thực phẩm với khối lượng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, thay đổi thành phần thực phẩm theo cách không thể chấp nhận được hoặc làm hỏng mùi vị của thực phẩm.
- Quy định pháp lý về các nguyên liệu có tiếp xúc với thực phẩm của EU khá rộng và không dễ dàng để chứng minh với nhà nhập khẩu EU rằng sản phẩm của bạn tuân thủ theo tất cả các quy định. Do đó, nhà nhập khẩu sản phẩm thực phẩm EU thường yêu cầu chứng từ về các chất độc và đánh giá rủi ro về hóa chất từ các nguyên liệu có tiếp xúc với thực phẩm và/ hoặc tuyên bố tuân thủ quy định.
- Một chất cần lưu ý là Bisphenol A (BPA). BPA được biết đến là chất sử dụng trong chai nhựa, nhưng đôi khi cũng được sử dụng trong bề mặt bên trong của nắp bình. Hiện tại, EU vẫn cho phép sử dụng BPA, nhưng gần đây đã có những cuộc thảo luận về vấn đề này và một số nhà mua hàng có thể sẽ yêu cầu bạn không sử dụng chất này.
Doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng hiện tại không có quy định pháp lý cụ thể nào về bao gói được áp dụng cho tất cả các hàng hóa bán trên thị trường EU.
--HẾT--
Các tin khác
- Quy định mới của EU về tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ bên ngoài vào EU (27/12/2024)
- Lợi thế của ngành Dệt may đồng bằng sông Cửu Long khi tham gia TPP (13/11/2024)
- Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư quy định việc nhập khẩu mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Campuchia theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 và 2024. (10/04/2024)
- Mời tham gia Đoàn khảo sát, giao dịch thương mại và đầu tư tại Australia 2024 (31/01/2024)
- Ngành Dệt may đối diện với thách thức mới từ thị trường Châu Âu (01/08/2023)
- Vì sao nhiều doanh nghiệp khó đăng ký xuất khẩu gạo sang Trung Quốc? (15/02/2023)
- Hàng nông thủy sản - thực phẩm Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang Nhật Bản trong năm 2022 (10/02/2022)
- Danh sách cập nhật các phòng thí nghiệm được phép kiểm tra virus đối với tôm nhập khẩu nguyên con đông lạnh, thông tin do Thương vụ Việt Nam tại Úc cung cấp (12/01/2018)
- Thông tin tìm mua hàng của khách hàng Úc do Thương vụ Việt Nam tại Úc cung cấp (12/01/2018)
- Danh sách 19 doanh nghiệp XNK hàng hóa Nigeria (12/01/2018)
Trang đầu 1 2 Trang cuối